Tổng quan nguyên uỷ và đường đi của dây thần kinh giữa
Dây thần kinh giữa (nervus medianus) là một trong ba dây thần kinh chính chi phối cho vùng tay, đóng vai trò quan trọng trong việc cảm giác và vận động của các ngón tay.
Tổng quan về nguyên uỷ
Dây thần kinh giữa có nguồn gốc từ plexus brachialis, một mạng lưới các dây thần kinh nằm ở phần cổ và nách. Nguyên ủy cụ thể của dây thần kinh này bao gồm nhánh trước của các dây thần kinh sống tủy C5, C6, C7, C8 và T1.
Đường đi của dây thần kinh giữa
- Đi qua nách: Dây thần kinh giữa xuất phát từ plexus brachialis và chạy xuống dưới qua vùng nách.
- Hố khuỷu tay: Từ nách, nó đi xuống cánh tay rồi vào hố khuỷu tay. Tại đây, nó nằm gần với động mạch cánh tay.
- Khu vực cẳng tay: Sau khi rời khỏi hố khuỷu tay, dây thần kinh giữa tiếp tục đi xuống dọc theo mặt bên trong của cẳng tay, phân nhánh thành các nhánh nhỏ hơn để cung cấp cảm giác cho da và cơ bắp ở khu vực này.
- Đi vào lòng bàn tay: Dây thần kinh giữa sau đó đi qua kênh carpal (carpal tunnel) để vào lòng bàn tay. Đây là một khu vực chật chội, nơi dây thần kinh có thể bị chèn ép, gây ra hội chứng ống cổ tay (carpal tunnel syndrome).
- Phân nhánh ở bàn tay: Sau khi vào lòng bàn tay, dây thần kinh giữa sẽ phân nhánh để chi phối cảm giác cho ba ngón tay đầu tiên (ngón cái, ngón trỏ và nửa ngón giữa) cũng như vận động cho một số cơ của bàn tay.
1. VẬN ĐỘNG CÁC CƠ
1.1. Ở cẳng tay
– Sấp tròn.
– Gan tay lớn, bé.
– Gấp các ngón nông.
– Gấp các ngón sâu.
– Gấp ngón cái dài.
– Sấp vuông.
1.2. Ở bàn tay
– Dạng ngón cái ngắn.
– Đối ngón cái.
– Gấp ngón ngắn.
– Cơ giun 1 và 2.
2. VÙNG CẢM GIÁC
– Nửa ngoài gan bàn tay,
– Mặt gan các ngón cái, trỏ, giữa và nửa ngoài ngón nhẫn.
– Mặt mu của đốt hai; ba ngón trỏ, giữa và nửa ngoài ngón nhẫn.
3. TRIỆU CHỨNG
3.1. Vận động
– Động tác sấp (úp) cẳng tay không thực hiện được do liệt cơ sấp tròn và sấp vuông.
– Gấp bàn tay khó khăn do liệt cơ gan tay lớn và bé nhưng còn thực hiện được ít nhiều nhờ vận động của cơ trụ trước.
– Không gấp ngón trỏ và cái được (ngón nhẫn và út còn làm được nhờ các bó trong của cơ gấp sâu do dây trụ điều khiển). Các ngón khác gấp không được ở các đốt 2 và 3, còn lại gấp đốt 1 do các cơ liên cốt (điều khiển bởi dây trụ) đảm nhiệm.
– Gấp và đối ngón cái không được do liệt các cơ gấp riêng, gấp ngắn, dạng ngắn và đối ngón cái, dẫn tới mất khả năng “kẹp tinh tế” giữa ngón cái và ngón trỏ. Không thể làm chữ O bằng ngón cái và ngón trỏ được.
– Ngón cái không làm động tác “đếm ngón tay”: đối chiếu với đầu của bốn ngón còn lại được.
– Do mất động tác gấp của ngón cái và ngón trỏ, bàn tay có dáng “bàn tay nhà tiên tri”.
3.2. Cảm giác
– Giảm hoặc mất cảm giác ở:
+ Phần ngoài của gan bàn tay, từ đường trục của ngón nhẫn trở ra, trừ bờ ngoài gò cái.
+ Mặt gan của nửa ngoài ngón nhẫn và các ngón cái, trỏ, giữa.
+ Mặt mu các đốt 2, 3 các ngón trỏ, giữa và nửa ngoài nhẫn.
– Cảm giác chủ quan: có thể có cơn đau dây thần kinh hoặc cơn đau chói.
– Rối loạn dinh dưỡng:
+ Teo cơ ở phần dưới cẳng tay, mô cái, có thể kèm theo tím và khô da ở các ngón tay, đặc biệt ở đốt 2-3 của các ngón trỏ và giữa.
+ Thể điển hình sẽ thấy: da mỏng và phù, móng của ba ngón đầu tiên khô sần sùi dễ gẫy kèm với dấu hiệu “vuốt giữa”: các ngón cái, trỏ, giữa bất động ở tư thế gấp không hoàn toàn, không thể duỗi ra được do co kéo của các gân gấp và bao hoạt dịch.
4. NGUYÊN NHÂN
4.1. Đứt dây thần kinh
– Do vật sắc như dao hoặc mảnh kính thường ở 1/3 dưới cẳng tay, gân gấp, động mạch quay dễ bị kèm theo.
4.2. Chèn ép thần kinh
– Do gãy xương hoặc trật khớp, sẹo can xương… ở vùng khuỷu.
– Hội chứng ống cổ tay: nữ bị nhiều hơn nam, biểu hiện bằng đau và tê (nhất là về ban đêm) ở các ngón cái, trỏ và giữa. Có thể thấy có liệt và teo các cơ ở mô cái kèm theo giảm cảm giác ở mặt gan ba ngón đầu tiên. Khi gõ vào vùng cổ tay sẽ làm rõ lên dấu hiệu tê đau ở các ngón (dấu Tinel) và gập cổ tay một thời gian (1-3 phút) làm tăng thêm các rối loạn cảm giác (dấu Phalens).