1. Đại cương
Liệt thần kinh trụ phần nhiều do các vết thương làm đứt thần kinh trụ. Liệt thần kinh trụ làm cho bàn tay xấu, mất cảm giác nhiều và yếu cơ.
2. Lâm sàng
Liệt thần kinh trụ gây ra 8 kiểu mất vận động, 2 kiểu mất cảm giác.
2.1. Tám kiểu mất vận động
– Cơ liên cốt và các cơ nội tại bàn tay bị liệt nên gấp các đốt 1 ngón tay. Nếu các cơ ngoại lai còn nguyên vẹn thì ngón 4 và ngón 5 sẽ thành vuốt trụ (dấu Duchenne) vuốt trụ là:
+ Đốt 1 ngón tay bị duỗi quá mức.
+ Đốt 2 và đốt 3 bị co gấp.
Khi khám, ta làm động tác Bouvier (1851). Đó là ta thụ động ấn vào sau đốt 1 ngón 4 và 5 đẩy nó ra trước cho khỏi bị duỗi quá mức ở khớp bàn ngón thì thấy ngón 4 và 5 thắng lại, dấu hiệu vuốt trụ mất đi.
– Do liệt cơ giun ngón 4 và 5 nên gấp khớp gian đốt và khớp bàn ngón mất đồng bộ. Ngón tay cuộn vào gan tay, không nắm được làm rơi đồ vật.
– Do liệt cơ khép ngón cái nên ngón cái mất kẹp bên (cầm chìa khoá). Liệt thần kinh trụ làm cho ngón cái ở khớp bàn – ngón bị duỗi quá mức 10-15° (dấu hiệu Jeanne 1915).
– Cung gan tay bẹt, mô út mất lồi (dấu hiệu Masse 1916) do liệt cơ đối chiếu ngón 5 và giảm gấp khớp bàn ngón 4.
Hậu quả của 4 kiểu liệt nói trên là mất khả năng nắm bàn tay. Bị liệt thấp thần kinh trụ thì sức nắm yếu hơn liệt cao.
– Liệt cơ gấp chung sâu phần do thần kinh trụ chi phối làm cho ở ngón 4 và 5 các đốt 2 và 3 không gấp được (dấu hiệu Pollock 1919).
– Khả năng gấp cổ tay bị mất một phần do liệt cơ trụ trước, tư thế cổ tay là quan trọng khi nắm, lúc ấy cổ tay ở tư thế trung bình. Khi nắm chính xác cổ tay phải duỗi hơn (gấp phía mu tay) đế cho ngón cái nằm thẳng hàng với xương quay.
– Liệt thần kinh trụ làm sức nắm chính xác bị kém đi. Khi ngón tay duỗi, do cơ liên cốt và cơ mô út bị liệt nên ngón tay không chủ động cử động sang bên được. Ngón 4 và ngón 5 duỗi thì không thể khép chặt được (dấu Wartenberg 1930). Ta thử cho kẹp tờ giấy giữa ngón 4-5 thì thấy lỏng. Đó là do cơ liên cốt gan tay 3 bị liệt không đối chiếu với cơ duỗi ngón 5 được.
– Do mất vững và xoay nên ngón cái và ngón trỏ không thể kẹp đối chiếu đầu ngón được (dấu Froment 1915) do:
+ Liệt cơ liên cốt mu tay 1.
+ Liệt cơ liên cốt mu tay 2.
+ Liệt cơ khép dài ngón cái.
Khi cầm nắm một vật gì, khớp gian đốt ngón cái chỉ gấp được 80-90o, nhờ cơ gấp dài ngón cái.
2.2. Mất cảm giác
– Mất cảm giác ở mu tay ngón 5, ở mu tay và ở phía trụ ngón 4.
– Khi bị liệt cao thần kinh trụ sẽ bị mất cảm giác ở phía sau trong gan tay (bờ trụ, mô út) và ở phía sau ngón 5.
Chi phối thần kinh bất thường: 10 điểm (8 vận động, 2 cảm giác) nêu trên là bình thường cho bệnh nhân không có dị dạng. Khi khám kỹ lâm sàng mới thấy các chi phối thần kinh bất thường của thần kinh trụ. Thần kinh phần trước của đoạn tuỷ C8 và T1 song có thể chứa các trụ trục chia từ rễ trước của đoạn tuỷ C7. Từ 5-10% chi trên, các trụ trục vận động của cơ trụ trước là mọc từ rễ C7.
3. Chuẩn bị chuyển gân
– Xương phải thẳng hàng, cử động thụ động cả khớp phải gần bình thường.
– Phần mềm không bị sẹo co rút, tưới máu phải tôt.
– Không có vết thương mạn tính. Nếu có vết thương là phản chỉ định mổ.
4. Kỹ thuật mổ liệt thần kinh trụ thấp
4.1. Kỹ thuật Oner
Chuyển đơn độc một gân không thể xử trí tất cả biến dạng do liệt thần kinh trụ thấp gây ra, song chỉ với một gân gấp nông ngón tay đã cải thiện tình trạng khớp bàn ngón và khớp gian đốt ngón 4 và 5. Cải thiện sức nắm chìa khoá của ngón cái và cung gan tay đỡ bẹt. Hàn khớp bàn – ngón của ngón cái cũng cải thiện độ vững của gọng kìm đầu ngón. Ở kỹ thuật Oner có thể dùng gân gấp chung nông ngón 4 hay ngón 5, song của ngón 4 thì ưa chọn hơn nếu chức năng nghiêng trụ của gân gấp sâu không liệt. Ta thử trước mổ động tác Bouvier (xem trên): cho giữ cố định khớp bàn ngón ở tư thế gấp nhẹ, xem khớp gian đốt có duỗi chủ động được không?
Cách mổ: rạch đường zig-zag ở ngón tay phía gan tay và thêm các đường rạch dọc ngắn ở trên lồi củ cơ dạng ngón cái và ở phía sau ngón 4 tại khớp gian đốt gần. Tách rời bám tận của gân gấp chung nông, giữ lại bao gân và dây chằng vòng A1, A2 của ngón tay: xẻ dọc gân gấp chung nông ra làm hai, xẻ lên gan tay. Chuyển 1/2 quay (nủa ngoài) của gân đưa chéo qua trước gan tay và khâu cố định chỗ bám tận của cơ khép ngón cái ở tại nền đốt 1 ngón cái) và ở phía sau thì khâu cố định vào chỗ bám tận của cơ dạng ngắn ngón cái. Nửa trụ (nửa trong) của gân thì lại xẻ làm đôi. Lấy một đầu phía trong cùng, kéo xuống dưới ra sau, khâu vào dây chằng và cân ngang sâu của dây chàng đốt bàn.
Còn một đầu phía ngoài hơn, đầu gân cuối cùng thì luồn lại qua dưới ròng rọc A2 quặt ngược đầu gân ra trước, khâu giữ cố định vào bao gân gấp giữ cho đốt 1 ngón tay gấp nhẹ chừng 20°.
Kết quả: cải thiện sức đối chiếu ngón cái – ngón trỏ và gân chuyển sẽ kéo gấp nhẹ đốt 1 ngón tay ở tại khớp bàn ngón và duỗi được khớp gian đốt gần.
4.2. Kỹ thuật Zancolli
Chữa tình trạng ngón tay bị vuốt trụ ngăn ngừa tình trạng duỗi quá mức ở khớp bàn ngón, nhờ kỹ thuật khâu cố định bao khớp vào chỗ cao hơn (Capsulodesis) tại khớp bàn ngón.
Rạch dọc ở gan tay tương đương khớp bàn ngón. Lấy một vạt bao khớp chữ u có cuống ở dưới và kéo vạt lên trên cao rồi khâu cố định vào cổ đốt bàn, giữ cho khớp bàn ngón gấp 20°. Thường phải mổ ròng rọc A1.
4.3. Kỹ thuật khép ngón cái theo Bunnell, Littler
Bunnell dùng gân duỗi chung ngón 2 ở mu tay. Chọn gân này vì nó khoẻ hơn gân duỗi riêng ngón 2.
Tách rời bám tận của gân, rút gân ra khỏi dây chằng mu cổ tay. Nối kéo dài gân nhờ gân cơ gan tay lớn, luồn gân ở dưới da, vòng qua bờ trụ của bàn tay, luồn qua gan tay ở sâu, cố định vào nền đốt 1 ngón cái tại lồi củ cơ khép.
4.4. Kỹ thuật Boyes
Tạo khép ngón cái để cầm được chìa khoá.
Dùng cơ ngửa dài đưa ra sau cẳng tay, nối dài nó nhờ gân gan tay lớn, luồn gân này vào kẽ đốt bàn tay 3-4, luồn ra trước gan tay, xong cố định vào nền đốt 1 ngón cái, chỗ bám tận cơ khép ngón cái.
4.5. Kỹ thuật Littler
Dùng gân gấp chung nông ngón 3 hay 4 để chữa biến dạng duỗi quá mức ở khớp bàn ngón ngón cái.
Tách rời gấp chung nông ngón 4 ở bám tận, rút gân ra khỏi ngón, cho ra gan tay, tạo một ròng rọc cân ở gan tay (một quai cân), luồn gân qua ròng rọc cân ở gan tay rồi cố định ở nền đốt 1 ngón cái tại lồi củ cơ dạng ngón cái, kỹ thuật này giúp thêm sức mạnh của gọng kìm ngón cái.