PHẦN 1: BIẾN CHỨNG THẦN KINH – MẠCH MÁU
CÁC BIẾN CHỨNG CỦA GÃY XƯƠNG:
Là các tổn thương thứ phát xảy ra sau chấn thương cơ quan vận động, gặp nhiều nhất sau các gãy xương. Biến chứng có thể xảy ra sớm ngay sau chấn thương, sau vài ngày hoặc có thể xuất hiện muộn sau một quá trình diễn biến do điều trị hoặc do tự nhiên. Khảo sát các yếu tố ảnh hưởng của gãy xương đối với vùng xung quanh và toàn thân chúng ta có thể giải thích được nguyên nhân của các biến chứng này. Các nguyên nhân cơ bản gồm có:
– Do chảy máu và mất máu: chảy máu nhiều làm mất khối lượng máu có ảnh hưởng đến tuần hoàn, chảy máu còn làm ứ đọng thành ổ máu tụ có ảnh hưởng đến vùng chung quanh ổ gãy, chèn ép, làm tăng áp lực mô, tăng áp lực trong ống tủy.
– Do đau đớn: do các thụ thể cảm giác trên màng xương bị tổn thương và do kích thích nhạy cảm gây ra. Sự đau đớn quá mức sẽ tác động lên hệ thần kinh trung ương sẽ tác động trở lại hệ tim mạch gây nên choáng.
– Do di lệch của xương gãy: các đầu gãy di lệch do lực chấn thương tác động hoặc do cơ co kéo làm tổn thương các tổ chức giải phẫu xung quanh như mạch máu chính, thần kinh chính, đứt cơ, gân bao khớp hoặc làm thủng da biến gãy kín thành gãy hở.
– Do rối loạn vận mạch vi tuần hoàn, gây nên hội chứng rối loạn dinh dưỡng.
– Do hậu quả điều trị.
Tùy theo thời điểm xuất hiện các biến chứng, người ta chia thành biến chứng sớm và biến chứng muộn. Có những biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng nạn nhân, có biến chứng đe dọa sự tồn tại của chi và có biến chứng làm mất chức năng của chi. Cần phải cảnh giác để phát hiện sớm các biến chứng để dự phòng và xử trí sớm.
Để chẩn đoán một biến chứng chúng ta dựa vào các dấu hiệu lâm sàng, các yếu tố nguy cơ, các triệu chứng cận lâm sàng. Thầy thuốc cần tích lũy kinh nghiệm để tiên đoán, ngăn chặn không để biến chứng xảy ra rồi mới bắt tay điều trị là điều chúng ta cần phải quan tâm.
Các biến chứng gãy xương thường gặp gồm có:
Biến chứng sớm:
– Choáng (Sốc) chấn thương
– Tắc mạch máu do mỡ
– Chèn ép khoang
– Tổn thương mạch máu chính
– Tổn thương thần kinh chính
– Gãy hở nhiễm trùng
Biến chứng muộn:
– Rối loạn dinh dưỡng
– Viêm xương
Biến chứng sự liền xương:
– Can lệch
– Khớp giả và chậm liền xương
1. CHOÁNG CHẤN THƯƠNG TRONG GÃY XƯƠNG
Đây là biến chứng thường gặp nhất và có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng nạn nhân nếu không được chấn đoán và xử trí kịp thời.
Xem chi tiết tại đây
2. HỘI CHỨNG TẮC MẠCH MÁU DO MỠ TRONG GÃY XƯƠNG (TMMDM)
Hội chứng TMMDM chỉ sự tắc nghẽn các mạch máu trong các mao mạch phổi bởi những giọt mỡ. TMMDM xảy ra sau gãy xương do mỡ từ tủy xương trôi theo tĩnh mạch về tim và bị đẩy lên phổi.
Xem chi tiết tại đây
3. HỘI CHỨNG CHÈN ÉP KHOANG CẤP TÍNH (C.E.K)
Xem chi tiết tại đây
4. BIẾN CHỨNG CÁC MẠCH MÁU LỚN
4.1. Các mạch máu lớn đi qua vùng xương gãy có thể bị
– Chèn ép do các đoạn gãy xương di lệch gây ra.
– Đôi khi có thể thủng, rách hay đứt mạch máu. Nếu máu chảy ra ồ ạt có thể gây ra hội chứng chèn ép khoang hoặc gây ra choáng. Nếu đứt hoặc thủng mạch máu mà không được xử trí sớm có thể dẫn đến hoại tử đoạn chi ở phía dưới.
4.2. Chẩn đoán
Khi đã chẩn đoán xác định một gãy xương bất kỳ, cần phải sờ kiểm tra mạch ở phía dưới nơi gãy, nếu mạch đập yếu hơn so với bên chi đối diện, hoặc mất mạch, phải nghi có tổn thương mạch máu. Các trường hợp choáng do mất máu trong gãy xương, sau khi truyền bù thừa máu, mà vẫn tiếp tục choáng cần phải phẫu thuật kiểm tra tổn thương mạch máu, như trường hợp gãy vùng chậu nặng. Đặc biệt các gãy xương ở những nơi có mạch máu chính đi sát xương như vùng khoeo, vùng trước khuỷu.
Các triệu chứng lâm sàng:
– Mất mạch vùng hạ lưu dưới nơi tổn thương
– Sờ vào da vùng chi phía dưới nơi tổn thương đến đầu chi thấy lạnh
– Màu sắc da đầu chi nhợt nhạt
– Đầu búp các ngón không căng phồng
– Dấu bấm móng hồng lại muộn >2”
Khi nghi ngờ có tổn thương động mạch chính nên làm thêm:
– Siêu âm Doppler
– Chụp X-quang động mạch
– Chụp DSA. (X-quang mạch máu kỹ thuật số xóa nền)
Để xác định có tắc nghẽn không, vị trí và mức độ.
4.3. Điều trị
– Nếu có các dấu hiệu nghi ngờ tổn thương mạch máu sau gãy xương, việc đầu tiên phải làm là nắn nhẹ nhàng hết các di lệch. Nếu thấy động mạch đập lại rõ ràng sau nắn là động mạch chỉ bị chèn ép. Cần theo dõi sát nhiều giờ tiếp theo để dự phòng mạch máu có thể bị tắc nghẽn sau đó do thành mạch (lớp intima) bị giập.
– Các trường hợp rách hoặc đứt mạch máu phải phẫu thuật để phục hồi tổn thương. Các gãy xương cần được cố định vững chắc bằng kết hợp xương hoặc đặt cố định ngoài. Để tránh hiện tượng phù nề, chèn ép vùng chi bên dưới nơi tổn thương, cần phải rạch cân mạc giải ép.
5. BIẾN CHỨNG CHÈN ÉP THẦN KINH NGOẠI BIÊN
Cũng là biến chứng thường gặp sau gãy xương
5.1. Cơ chế và thể loại
– Thường đa số trường hợp thần kinh bị chèn ép cấp tính do:
+ Các đoạn gãy di lệch
+ Máu tụ
– Điều kiện giải phẫu đặc biệt:
Không phải tất cả các đoạn đây thần kinh ngoại biên đều bị chèn ép như nhau trong gãy xương. Chúng ta thường gặp các biến chứng chèn ép thần kinh điển hình ở các loại gãy xương nhất định như:
– Liệt thần kinh quay trong gãy thân xương cánh tay.
– Liệt thần kinh giữa trong gãy trên hai lồi cầu xương cánh tay trẻ em.
– Liệt thần kinh hông khoeo ngoài ở gãy chỏm xương mác…
Thực sự các vùng thần kinh hay bị liệt là đoạn thần kinh phải đi qua một vùng giải phẫu đặc biệt chật hẹp. Các tác giả nói tiếng Đức gọi là các “ngõ hẹp” [ Eng Pass]. Khi gãy xương, sự di lệch các đoạn gãy hay máu tụ càng làm cho ngõ hẹp thêm chật hẹp hơn và gây chèn ép thần kinh.
Do vậy thần kinh thường hay bị chèn ép nhiều hơn, ít khi có rách, đứt thần kinh cấp tính sau một gãy xương kín ngoại trừ trường hợp tổn thương đám rối thần kinh cánh tay thường có tổn thương giải phẫu hơn là bị chèn ép.
Ngoài ra có thể gặp biến chứng thần kinh mạn tính muộn thường do can lệch của gãy xương gây tổn thương từ từ. Sau 5 năm hay 7 năm, thậm chí vài chục năm sau gãy xương mới xuất hiện các dấu liệt. Thần kinh không những chỉ bị chèn ép mà có thể bị đứt nếu để kéo dài mà không xử trí gì, thí dụ liệt thần kinh trụ muộn sau gãy lồi cầu ngoài xương cánh tay.
5.2. Chẩn đoán
Các chèn ép cấp tính thường biểu hiện bằng các dấu hiệu (điển hình của rối loạn cảm giác và vận động. Do vậy khi đã khẳng định một gãy xương bất kỳ nào đều phải tìm xem có các dấu hiệu của tổn thương thần kinh ngoại biên hay không.
Các triệu chứng biến chứng muộn thần kinh ngoại biên thường biểu hiện đầu tiên bằng dấu hiệu đau ở vị trí điển hình ống hẹp thần kinh.Thí dụ: đau ở ống trụ, ở rãnh trụ sau khớp khuỷu. Khi ấn vào rãnh trụ gây đau chói và đau lan truyền theo đường đi xuống cẳng tay của thần kinh trụ. Nếu tiêm một chút dung dịch giọt treo (suspension) hydrocortisone vào rãnh trụ, đau hết hắn trong vài ngày là test khẳng định chắc chắn.
Các xét nghiệm cận lâm sàng giúp cho chẩn đoán thường được áp dụng là:
– Đo điện thần kinh – cơ (EMG)
– Chụp MRI
5.3. Điều trị
– Phải nắn sớm và nhẹ nhàng hết các di lệch của gãy xương để có thể giúp giải phóng đoạn thần kinh bị chèn ép. Các dấu hiệu thần kinh sẽ hết dần.
– Nếu sau nắn các dấu hiệu thần kinh không hết hoặc tăng nặng (trong 4 – 5 tuần lễ tiếp theo), có chỉ định phẫu thuật để kiểm tra và điều trị.
– Cố gắng nắn hết các di lệch của xương gãy để phòng tránh biến chứng thần kinh muộn.
– Phải phẫu thuật điều trị các liệt muộn sau gãy xương